Bạn có từng vướng vào một lỗi sai ngớ ngẩn lúc làm việc mà lẽ ra có thể hoàn toàn tránh được?

Còn mình thì vừa mắc lỗi đó!

Chuyện là, mấy hôm trước, mình phải dịch một số tài liệu kỹ thuật từ Anh sang Việt. Đọc qua tài liệu, thấy quá nhiều thuật ngữ phức tạp, lòng không chút hứng, nhưng mình cũng cố bắt tay vào việc.

Đầu óc lúc đó chỉ nghĩ đến việc tập trung hoàn thành bản dịch; không hiểu sao lại chẳng để ý đến chuyện Save.

Sau nhiều giờ mải miết làm việc, cuối cùng mình cũng dịch xong. Đọc xong bài dịch và chỉnh sửa lần cuối, dù não căng như dây đàn, mình vẫn thấy phơi phới trong lòng vì đã hoàn tất phần việc khó nhất trong ngày. Ngay lúc cao hứng đó, mình đóng file dịch và nhấn ‘Don’t Save’ thay vì ‘Save’

Trong phút chốc, toàn bộ bản dịch biến mất. Mình lặng hết cả người.

Tiếp theo sau, một loạt suy nghĩ ào tới.

“Trời ơi, mình chỉ cách đích đến một cái click chuột. Giờ thì phải làm lại từ đầu. Mớ việc còn lại sẽ bị dồn cục. Mình sẽ phải tăng ca và lỡ cuộc gọi gia đình tối nay

Sao mình ngớ ngẩn thế?

Sao mình bất cẩn vậy?

Sao mình … Sao mình …"

Càng lún sâu vào chuỗi suy nghĩ tiêu cực đó, mình càng tụt năng lượng. Ngày của mình coi như xong! Tâm trạng chuyển từ tốt sang xấu, sang tệ.

Mình chẳng muốn làm gì tiếp, mặc cho công việc đang ứ đọng.

Tạm dừng câu chuyện ở đây!

Bạn có từng ở trong trường hợp tương tự như mình và rơi vào chuỗi suy nghĩ tiêu cực thế này chưa? Sau khi làm một việc ngớ ngẩn, bạn trách cứ bản thân hàng giờ tiếp theo. Cuối cùng, thời gian dằn vặt bản thân gần bằng thời gian làm việc.

Nếu bạn lùi lại một bước và quan sát chính mình - như Hà vừa làm ở trên - có thể bạn sẽ đồng ý rằng: mình đã sai càng thêm sai. Cái sai thứ nhất là không lưu bản dịch. Cái sai thứ hai là suy diễn ra cả một tương lai u ám: bể kế hoạch, tăng ca, lỡ cuộc gọi với gia đình rồi dằn vặt bản thân, mất hết tinh thần làm việc.

Thay vì hành động như trên, lý tưởng nhất là nên: nhìn nhận sai lầm của mình, chấp nhận nó, cải thiện tình hình và tiếp tục những hoạt động khác trong ngày.

Mong muốn là thế nhưng thực tế thường chẳng được như vậy! Thế nên mẹo của mình trong trường hợp này (và cả trong những trường hợp có tính chất tương tự) là: điều chỉnh suy nghĩ trước khi điều chỉnh hành động.

Quay lại câu chuyện của mình. Sau một hồi thả trôi, mình đã lấy lại phong độ như sau:

Bước 1: Tập trung vào hơi thở. Hít vào, biết mình đang hít vào. Thở ra, biết mình đang thở ra. Lúc đầu hơi thở hơi nông. Sau 2-3 nhịp, hơi thở sâu hơn và mình cũng bình tâm hơn. Trong suốt quá trình đó, mình liên tục nói với bản thân “Chuyện đã xảy ra rồi! Mình chấp nhận thực tế và có thể giải quyết nó.”

Bước 2: Khi đã bình tĩnh, mình liền hỏi bản thân: “Cách tốt nhất để xử lý việc này là gì?” và tiếp tục lặp lại câu hỏi cho đến khi có giải pháp.

(* Bước này sẽ phát huy hiệu quả nhất nếu được thực hiện trước hoặc ngay lúc những suy nghĩ/ hoặc câu hỏi tiêu cực như sau xuất hiện:

  • Dằn vặt bản thân: “Mày thật tối dạ, sao có thể gây ra chuyện ngớ ngẩn như vậy?”
  • Suy diễn tương lai: “Nếu khách hàng than phiền chuyện nộp bài dịch trễ thì sao? Nếu vì vậy mà thành tích của mình bị ảnh hưởng thì sao?” …)

Bước 3: Nhanh chóng viết xuống các ý tưởng và chọn 1 trong số đó để hành động ngay.

Thay vì ngồi dằn vặt bản thân, việc Hà cần làm ngay khi chuỗi suy nghĩ tiêu cực xuất hiện là nhận diện được chúng. Nhưng như trong bài chia sẻ trước, bắt lấy suy nghĩ ngay khi chúng vừa xuất hiện thật không đơn giản. Bạn có đồng ý với Hà không?

Tuy nhiên, khó không có nghĩa là bỏ cuộc. Dù ban đầu Hà có “lạc lối” nhưng cuối cùng vẫn xoay sở để kiểm soát được suy nghĩ và điều chỉnh lại công việc trong ngày. Và kết quả là mọi chuyện không tệ như mớ suy nghĩ của Hà trước đó.

Nếu bạn gặp phải tình huống tương tự hoặc rơi vào trường hợp lạc lối trong những suy nghĩ tiêu cực của mình thì hãy thử cách của Hà xem nhé. Có thể lúc mới thực tập, bạn chưa bắt được suy nghĩ của mình ngay lập tức hoặc bị suy nghĩ của mình dắt đi 1 tiếng, thậm chí 2 tiếng. Không sao cả! Quan trọng là bạn đã chịu làm một điều gì đó khác đi để cải thiện tình trạng của mình để có một kết quả khác với thường lệ.