Sẽ ra sao nếu ta chỉ mù quáng nghe lời?

Mình là Hà; thường được gọi là “con ngoan trò giỏi”.

Có được danh hiệu đó là vì từ nhỏ mình rất hiền lành, dễ bảo, học chăm, điểm tốt.

Thời phổ thông thì học trường top của tỉnh.

Tốt nghiệp phổ thông thì học trường quốc tế với học bổng bán phần rồi toàn phần.

Con đường đèn sách cũng tốn không ít mồ hôi, công sức, nhưng mình luôn thấy xứng đáng vì lúc nào mình cũng được đón nhận, ngưỡng mộ và yêu thương.

Mình tin rằng chỉ cần nghe lời người lớn là đủ.

Nhưng khi mình rời ghế nhà trường và bắt đầu xác định con đường sự nghiệp của bản thân, dường như, nghe lời cha mẹ, thầy cô là chưa đủ vì khá nhiều thứ ngoài tầm của họ. Và mình bắt đầu mất phương hướng.

Tuy vậy, thay vì đi tìm câu trả lời từ bên trong bằng việc lắng nghe tiếng lòng mình, thì mình lại chọn nghe lời xã hội.

Mình chọn công việc ở một tập đoàn có tiếng, và một công việc có giá.

Mình tiếp tục được đón nhận, ngưỡng mộ và yêu thương và mình nghĩ: “ah, mình đã chọn đúng!”

Thế nhưng, khi đi theo con đường ấy, mình cứ có cảm giác trống rỗng mãi.

Mình thậm chí chẳng thấy khá hơn khi được thăng chức, tăng lương.

“Có thể, mình leo chưa đủ cao, kiếm chưa đủ nhiều, thành công chưa đủ lớn” mình thầm nghĩ. Vì vậy, mình đặt ra mục tiêu lớn hơn cho bản thân.

Và như các bạn có thể đoán, con đường ấy càng làm cho mình mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần. Cùng với áp lực công việc, mình cảm thấy vừa stress vừa lạc lõng.

Đỉnh điểm là khi bố mình so sánh mình với ‘con nhà người ta’ và cho rằng mình chưa đủ giỏi.

Mình như bị dội một gáo nước lạnh. Lòng đau như cắt, nước mắt đầm đìa, mình tự hỏi: bao nhiêu là đủ?

Nhìn lại con đường đã qua, mình tự thấy đã nghe lời quá nhiều - một cách mù quáng: chỉ xem trọng mọi thứ bên ngoài mà bỏ mặc bản thân.

Có lẽ khi nỗi đau chạm đáy, mình mới đủ dũng khí để lựa chọn thay đổi, để khởi hành chặng đường mới - ‘nghe lời’ bản thân nhiều hơn.

Nhưng hành trình chuyển đổi ấy không hề dễ dàng.

Tư duy và hành động đã vận hành cùng một kiểu trong nhiều năm qua nên không có cách nào thay đổi tất cả trong một đêm.

Mình phải học cách kiên nhẫn với bản thân và kiên trì với từng bước nhỏ.

Mình bắt đầu với việc thay đổi thói quen - luôn làm hài lòng mọi người và cư xử theo cách mà người khác muốn. Để sửa thói quen này, đầu tiên, mình giảm nói “yes” với những yêu cầu, đề nghị từ những mối quan hệ ít thân thiết. Khi đã dần quen, mình tiếp tục áp dụng với những mối quan hệ thân thiết hơn như bạn thân, bố mẹ, và cuối cùng là anh xã. Kiên trì trong ba năm, mình cải thiện được hơn 60% so với mục tiêu.

Tuy nhiên cũng có nhiều lần, mình rơi vào thói quen cũ mà không hề hay biết. Vì thế, mình đã chọn làm việc với coach – khai vấn viên để nâng cao nhận thức, tìm ra những hành vi lặp đi lặp lại, và quan trọng hơn là giữ cho mình cam kết hành động để thay đổi.

Hành trình của mình lúc đầu khá vất vả vì mình phải đấu tranh với bản thân, với chính những suy nghĩ xuất hiện trong tích tắc và những thói quen cắm rễ hàng chục năm. Tuy vậy, kết quả đạt được rất xứng đáng.

Mình có thể kết nối với bản thân nhanh hơn, dễ dàng hơn. Mình yêu bản thân hơn. Mình chăm sóc bản thân nhiều hơn.

Khi càng lắng nghe bản thân, mình càng hiểu hơn những mong muốn của mình. Mình dần nhận thức được đam mê, tìm được lý tưởng sống và công việc mơ ước.

Có thể con đường của bạn không giống mình. Những thử thách bạn gặp phải có thể khác, và do vậy, giải pháp bạn cần cũng sẽ khác. Nhưng nếu có đôi lúc bạn thấy trống trải trong lòng, hay bồn chồn, bức bối không rõ vì sao thì một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm cho bản thân là nhận diện cảm giác đó, và tìm câu trả lời càng sớm càng tốt.

Còn nếu những gì bạn đã và đang trải qua tương tự như mình, hãy thử một vài gợi ý dưới đây:

1. Biết ơn những gì bạn đã và đang trải qua

Nghe kỳ lạ nhỉ? Nhưng bạn biết không, biết ơn là liều thuốc hữu hiệu giúp chữa lành những vết thương lòng đấy.

Khi bạn khởi động hành trình thay đổi bản thân, có khả năng, bạn sẽ bắt đầu trong đau buồn, hoặc đổ lỗi cho mình và người khác vì đã cư xử tệ với mình trước đó. Những suy nghĩ tiêu cực này giữ lấy bạn, làm bạn khó mà bước tiếp.

Tuy nhiên, khi bạn biết ơn những gì đã xảy ra, bạn sẽ nhìn vào mặt tích cực trong câu chuyện của mình. Bạn sẽ dần chấp nhận quá khứ, nhận ra bài học cho mình và tiến về phía trước. Bạn sẽ cảm thấy lòng nhẹ nhõm hơn. Cuối cùng, bạn sẽ sẵn sàng cho một phiên bản mới của chính mình.

2. Kết nối với bản thân

Lắng nghe tiếng lòng của mình bằng cách dành ra thời gian để nhìn lại bản thân và những trải nghiệm vào cuối ngày. Bạn có thể bắt đầu thói quen này bằng cách ghi xuống câu trả lời cho những câu hỏi sau:

Khoảnh khắc nào đẹp nhất trong ngày? Cảm xúc lúc đó của bạn ra sao? Điều gì đã làm bạn cảm thấy như vậy?

Khoảnh khắc nào tệ nhất trong ngày? Cảm xúc lúc đó của bạn ra sao? Điều gì đã làm bạn cảm thấy như vậy?

Nhìn lại câu trả lời cho những câu hỏi trên, bạn phát hiện ra điều gì về bản thân mình?

Bạn muốn làm điều gì khác đi để có thêm những khoảnh khắc đẹp trong ngày?

3. Dành thời gian chất lượng cho bản thân

Nếu bạn đã biết điều gì làm cho tâm hồn bạn cảm thấy đủ đầy, hãy dành thời gian thực hiện chúng.

Nếu bạn chưa biết, hãy dành thời gian trải nghiệm nhiều hoạt động khác nhau và cảm nhận. Bạn sẽ dần tìm ra điều làm mình hạnh phúc.

Việc nhận biết điều gì giúp bạn tái tạo năng lượng và cảm thấy trọn vẹn sẽ khiến bạn ngày càng hiểu mình hơn, từ đó, đưa ra những lựa chọn dựa trên mong muốn của mình.

* Lưu ý: Những điều làm cho tâm hồn bạn đủ đầy nên là những điều bạn có thể chủ động kiểm soát được và không phụ thuộc nhiều vào yếu tố bên ngoài.


Những hành động trên nay đã trở nên quen thuộc với mình và giúp ích rất nhiều cho việc thắt chặt kết nối của mình với bản thân.

Mình mong chúng cũng sẽ hữu dụng cho bạn!