Trước tiên, hãy đặt mình vào tình huống dưới đây nhé!

Bạn là doanh nhân khởi nghiệp và được bạn thân giới thiệu một cơ hội làm ăn lớn, rất phù hợp với lĩnh vực kinh doanh của công ty. Theo đó, sắp tới bạn sẽ gặp K., Giám đốc tại một công ty vừa lớn vừa có tiếng. Bạn rất quý trọng cơ hội lần này và tin rằng, nếu bạn thuyết trình thành công, công ty sẽ có một bước tiến đáng kể.

Thế nên, ngay lập tức, bạn gấp rút chuẩn bị để tạo ấn tượng với Giám đốc K. trong cuộc gặp sắp tới và giành lấy thương vụ này.

Biết rõ sales không phải là sở trường của mình, bạn nhanh chóng tham khảo bạn bè trong lĩnh vực bán hàng cũng như dự các khóa online ngắn hạn để sớm bù khuyết cho mình. Trớ trêu thay, càng tìm tòi nghiên cứu, bạn càng cảm thấy choáng ngợp. Dường như, tất cả những gì bạn có là con số 0. Bạn bắt đầu nghĩ rằng: “Mình không có năng lực bán hàng”. Rồi bạn lại nghĩ, “Nếu mình làm hỏng cơ hội này với một bài thuyết trình dở tệ thì sao? Nếu khách hàng không hứng thú với dịch vụ thì sao? Chuyện gì xảy ra nếu như … nếu như …? Hàng loạt câu hỏi hoài nghi bản thân liên tiếp ào ra, chiếm lĩnh tâm trí bạn, tác động không tốt đến cảm xúc của bạn. Bạn thấy tim mình đập loạn xạ, ruột gan cồn cào, cơ thể tê cứng.

Sự tự tin, nhiệt huyết ban đầu dần biến mất. Bạn cảm thấy lo lắng khi ngày hẹn đến gần. Thay vì tiếp tục hành động, nỗi sợ làm cho bạn trì hoãn.

Liên tục bị phân tâm bởi những suy nghĩ tiêu cực, bạn chọn xem Youtube một chút. Cảm giác xem Youtube thật thoải mái. Bạn nhấp chuột từ video này sang video khác và chẳng mấy chốc, quá giờ ăn tối. Bạn vào bếp nấu vội tô mì. Ăn uống dọn dẹp xong là quá 22h. Bạn tự nhủ: "Luyện thuyết trình giờ này thì sẽ đánh thức cả nhà mất! Thôi tranh thủ trả lời email trước; mai tập".

Và cứ thế, việc luyện tập và hoàn thiện bài thuyết trình cứ liên tục bị dời lại.

Năng suất thấp. Trì hoãn nhiều. Việc chuẩn bị và luyện tập không mấy tiến triển. Cuộc họp cận kề. Bạn chuyển từ lo lắng sang đổ lỗi cho bản thân.

"Bạn trách mình vô dụng".

"Bạn bức bối vì bản thân không giỏi bán hàng".

"Bạn tức giận vì không thể kiểm soát hành động của mình".

Tạm dừng tình huống ở đây, Hà muốn hỏi bạn rằng:

Những điều trên có quen thuộc với bạn?

Bạn nghĩ sao khi đặt mình vào tình huống trên?

Bạn cảm thấy thế nào nếu phải trải qua những suy nghĩ không hữu ích như trên?

Ngẫm lại xem, bạn đã có một khởi đầu thật tốt đẹp. Bạn tự tin, nhiệt huyết. Bạn biết điểm yếu của mình và bạn hành động ngay để bù đắp cho nó. Nhưng giờ, bạn bị mắc kẹt.

Chuyện gì đã xảy ra?

Có phải vì bạn thiếu kỹ năng bán hàng?

Có phải vì bạn yếu đuối?

Có phải vì bạn hoài nghi chính mình và suy nghĩ tiêu cực trong tình huống trên?

Còn giờ, bạn hãy tưởng tượng: mình không gặp phải những trở ngại về suy nghĩ và cảm xúc như trong tình huống trên. Tưởng tượng rằng, lần tới, khi đối mặt với một thử thách tương tự, bạn có thể tiếp cận điểm yếu của mình và hành động mà không bị những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực chi phối. Rằng bạn có thể chuyển suy nghĩ và cảm xúc thành hành động hiệu quả hơn.

Hà hiểu cảm giác của bạn. Chính Hà cũng đã phải vật lộn với vấn đề này nhiều lần trong suốt sự nghiệp của mình. Và sau khi chuyển từ công việc Marketing sang chuyên viên khai vấn (coach), Hà đã thấy hành vi này lặp đi lặp lại trong hơn 500 giờ khai vấn cho khách hàng của mình.

Giải pháp ở đây là: sửa chữa suy nghĩ trước khi sửa chữa hành động của bạn. Nhưng để quản lý suy nghĩ, bạn cần nhận thức được chúng trước.

Điều này không dễ vì suy nghĩ lướt qua rất nhanh và khó nắm bắt. Vậy thì mình cần nắm bắt những suy nghĩ nào và làm sao bắt được chúng?

Dưới đây là một bài tập đơn giản mà bạn có thể sử dụng để bắt đầu với việc nắm bắt một số suy nghĩ tiêu cực rõ ràng. Cách làm này sẽ ảnh hưởng tích cực đến hành động của bạn tương đối nhanh chóng.

Bước 1: Khi bạn cảm thấy khó chịu trong lòng hoặc tim đập nhanh hơn khi suy nghĩ về điều gì đó tiêu cực; hãy tự hỏi: “Tôi đang cảm thấy thế nào?

Bước 2: Sau khi xác định được cảm xúc, tiếp tục hỏi bản thân: “Điều gì khiến tôi cảm thấy như vậy?”

Bước 3: Ghi xuống câu trả lời. (Bạn cũng có thể ghi âm nếu lười viết xuống).

Nghe có vẻ thật đơn giản, nhưng cách làm này rất hữu ích! Bạn sẽ bắt đầu nhìn rõ những suy nghĩ và niềm tin được chôn vùi bấy lâu nay. Bạn sẽ nhận ra một số có ích cho bạn, số khác thì không; từ đó, lựa chọn hành động để cải thiện.

Nếu bạn quan tâm đến việc mình cần làm gì đối với những suy nghĩ hữu ích và không hữu ích sau khi nhận ra chúng; Hà sẽ chia sẻ thêm ở một bài viết khác. Tuy nhiên, ngay lúc này, bạn hãy trải nghiệm 3 bước Hà gợi ý ở trên. Trong quá trình làm việc với khách hàng của mình, Hà nhận thấy rằng, mỗi khách hàng đều có những tiến bộ tích cực trong hiệu suất công việc khi họ thành thạo việc quan sát và nhận diện suy nghĩ của chính mình.

Vậy nên, sau khi đọc bài viết này, nếu bạn gặp trường hợp tương tự hoặc rơi vào tình trạng tụt năng suất, hãy áp dụng các bước trên. Bạn cũng có thể dùng bài tập này hàng ngày. Hà thường luyện tập bằng cách ghi lại những phản ứng mà mình không hài lòng vào cuối ngày rồi lần lượt áp dụng từng bước. Theo thời gian, Hà ngày càng nhạy hơn trong việc xác định những suy nghĩ và cảm xúc ảnh hưởng không tốt đến hành động và năng suất của mình; từ đó, tiến hành điều chỉnh ngay lập tức.

Hà hy vọng những chia sẻ vừa rồi giúp ích cho bạn trong hành trình đi đến mục tiêu của mình .